Giữa cái thời con người và bệnh tật dường như đã trở thành bạn đồng hành, rõ nét nhất là bức tranh tăng trưởng mạnh mẽ của các hãng thuốc giữa cái thời doanh nghiệp “chết đứng” hàng loạt.
Những người dễ bị tổn thương nhất như người già và trẻ nhỏ đã liên tục phải làm bạn với bệnh viện với đủ các thể loại bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm đường hô hấp, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính… Ước tính lượng bệnh nhân tăng khoảng 20-30% so với bình thường, chưa kể các trường hợp tự chữa hoặc đến các cơ sở hành nghề không giấy phép.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa nhi (BV Bạch Mai), đợt lạnh kéo dài suốt hơn 10 ngày qua đã khiến nhiều trẻ em sơ sinh, trẻ nhỏ bị bệnh lý về viêm đường hô hấp, cảm lạnh, sốt cao… Số trẻ đến khám và nhập viện tăng khoảng 20% so với bình thường. Đặc biệt, có những trường hợp bị những bệnh lý khác nhưng do trời lạnh nên đã mắc thêm cả viêm phổi. Chẳng hạn như trường hợp cháu N.V.A (25 ngày tuổi ở Giáp Bát, Hà Nội) có dấu hiệu dị ứng sữa mẹ nhẹ nên rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều. Vì cháu luôn phải lau rửa, thay bỉm nên bị nhiễm lạnh và giờ cháu vừa phải điều trị cả dị ứng sữa mẹ vừa phải tiêm kháng sinh chữa viêm phổi.
Bệnh tật ngày nay trở nên phổ biến hơn. Sống giữa một bầu không khí ám khói, những thùng hóa chất bị chôn ngầm dưới đất, lũ lụt đột ngột ập về, lại thêm khủng hoảng kinh tế bức bối đè nén chi tiêu, không nảy sinh bệnh mới là thành chuyện lạ. Người lớn còn thấy bức bối, huống chi những đứa trẻ sức đề kháng phát triển còn chưa hoàn thiện, lại thêm tính hiếu động sẵn có, vi khuẩn, virus, hay bất cứ chất độc nào càng dễ bề thấm vào trẻ. Nhất là khi, từ quần áo cho đến đồ chơi, có thứ nào là không bị tẩm độc đâu. Thế nên, chỉ cần mồ hôi ra nhiều một chút, trời lạnh thêm một tẹo, thì những con ho, sốt hay cảm giác mệt mỏi mà trẻ chưa biết biểu lộ ra ngoài càng dễ khiến trẻ không dễ dễ bị bệnh, dễ bị nặng mà còn khó phát hiện ra. Nhiều khi bệnh ủ nặng lắm rồi, cha mẹ các em mới hoảng hốt gấp gáp đưa con vào bệnh viện. Nhưng cũng tại đây, một nguồn bệnh mới lại đang dần hình thành. Nhìn cảnh người vạ vật, chật chội chen nhau trên một chiếc giường, khám thẻ bị xếp sau cùng, những đứa trẻ vốn đã dễ bị thương tổn lại càng thêm yếu ớt. Nhất là những em còn đang trong thời kỳ bú mẹ, triệu chứng biểu lộ càng khó thể hiện. Thế nên, làm cha mẹ ngày nay không khác gì một chiến binh không súng ống, mắt phải tinh, mũi phải thính, tai phải tường để xem nhịp thở của con, giấc ngủ của con, tình trạng bú sữa của con… để kịp thời phản ứng. Cũng không khác gì một SWAT cả, chỉ là lực lượng phản ứng nhanh chỉ phải căng thẳng trong mấy tiếng đồng hồ, còn cha mẹ thì phải căng thẳng cả… đời.
Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người già cũng đang “chật vật” với cái lạnh của mùa đông, nhất là cái lạnh trái khoáy càng ngày càng lộ rõ dưới áp lực của biến đổi khí hậu, rét đến chậm song tuyết đến sớm. Theo TS.BS Chu Thị Hạnh – Phó trưởng Khoa Hô hấp, không khí lạnh sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ dẫn đến tình trạng bệnh nhân, nhất là những người già đã có nền tảng là bệnh hô hấp mãn tính thì rất dễ bị tái phát trong mùa lạnh. Cứ đến mùa đông, tỷ lệ nhập viện của các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính lại cao hơn mùa khác từ 20 – 30%. Tại khoa Hô hấp, trong tổng số bệnh nhân phải nhập viện thì số bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính nằm điều trị tại khoa hô hấp chiếm khoảng 25 – 30%, có những thời điểm bệnh nhân lên đến đỉnh điểm 220 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày. Nhưng không thể đổ hết cho cái lạnh, mà đây chỉ là điều kiện để những mầm bệnh bao ngày ủ trong người có dịp bộc phát ra ngoài, mạnh mẽ và cũng đáng sợ hơn.
Thế nên, người ta đổ xô đi mua quần áo mùa đông, đổ xô đi mua túi sưởi, bình nước nóng… Điều tất yếu khi con người muốn chống đỡ cái rét buốt cắt da cắt thịt. Nhưng đồng thời cái tâm lý ham rẻ lại dẫn dắt người tiêu dùng đến với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, để rồi lại mang vạ vào thân, cũng không khác mấy câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” của dân gian xưa. Mua quần áo chống rét rồi lại mang thêm độc ngấm vào người, mua túi sưởi ấm để lại bị bỏng… Quá lệ thuộc vào thuốc kháng sinh để rồi sau này chẳng có mấy thứ thuốc có thể chữa bệnh cho chính con em mình.