Rét đậm kéo dài tại Hà Nội khiến nhà nhà, người người đổ xô đi sắm thêm đồ chống rét khiến đồ sưởi, chăn, đệm, áo rét, phụ kiện trở nên hút hàng. Điều đáng nói là việc mua sắm thiết bị chống rét ồ ạt và quá dễ dãi như hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc.
Cơ hội đẩy hàng tồn
Ngày 8/1, PV Báo GĐ&XH đã khảo sát nhiều địa chỉ chuyên bán các loại hàng chống rét ở Hà Nội như chợ Nhà Xanh và chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa). Mưa phùn nặng hạt và rét đậm tới 9-10 độ C nhưng mới sáng sớm những nơi này đã tấp nập người mua, kẻ bán. Các cửa hàng bán áo phao, áo dạ, áo lót nỉ, lót bông, quần hai lớp, khăn quàng cổ, tất len, găng tay len, bịt tai… luôn chật cứng người.
Khuyến cáo với chăn điện, đệm điện
Các chuyên gia cảnh báo, trẻ quá nhỏ, người già không còn minh mẫn không nên nằm chăn điện, đệm điện một mình. Khi nằm chăn, đệm điện tốt nhất để ở nhiệt độ vừa phải, từ 25 – 30 độ C và không nên sử dụng quá 10 tiếng. Không nên tự tháo chăn điện ra sửa chữa khi có trục trặc và phải rút điện khi ngưng sử dụng. Tuyệt đối không để nước tiếp xúc với bộ điều khiển của chăn điện và không quấn chăn quanh người vì dễ gây ra chập, cháy.
Ông Nguyễn Văn Cách, bán quần áo tại chợ Nhà Xanh cười tươi: “Trộm vía, nửa tháng nay rất đắt hàng. Đặc biệt, 5 ngày nay hôm nào tôi cũng phải đi lấy tới hai xe hàng, bán vẫn hết veo”. Ông bảo giá áo rét đại hàn năm nay có tăng nhưng tăng không nhiều, chỉ đắt hơn khoảng 30.000 – 40.000 đồng/chiếc vì đây là chợ bán cho sinh viên.
Các loại phụ kiện chống rét tại chợ Nhà Xanh, chợ Ngã Tư Sở khá phong phú, giá được điều chỉnh tăng mạnh. Khăn len quàng cổ tròn quấn hai vòng trước đây giá 120.000 đồng/chiếc, giờ là 160.000 đồng/chiếc. Khăn len chéo vạt từ 90.000 đồng/chiếc lên 120.000 đồng/chiếc; khăn len móc tay loại rộng 30cm từ 80.000 đồng/chiếc lên 95.000 đồng/chiếc. Các loại mũ len, găng tay len, bịt tai… cũng được điều chỉnh tăng giá thêm từ 10.000 – 15.000 đồng; dép nỉ, dép bông, dép nhung đi trong nhà cũng thêm 20.000 đồng/đôi.
Không khí mua sắm đồ chống rét trên các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi… cũng nhộn nhịp không kém. Theo ghi nhận của phóng viên, một áo rét tầm trung có giá từ 200.000 – 450.000 đồng/chiếc. Quần chống rét loại hai lớp giao động từ 80.000 – 180.000 đồng/chiếc…
Cửa hàng bán đồ chống rét hút hàng trong những ngày này.
Đáng chú ý, đây cũng là dịp nhiều chủ hàng nắm cơ hội đẩy hàng tồn kho với những chiêu khuyến mãi “hút khách”: “Hàng đại hạ giá”, “xả hàng”, “thanh lý 100%”, khuyến mại “30-50%”… Phần lớn đây là hàng tồn từ năm trước nhưng được thời tiết hỗ trợ nên bán khá chạy với mức giá từ 150.000 – 250.000 đồng/chiếc. Tất nhiên đây là mức giá đã cao hơn so với trước đó khoảng 50.000 đồng/chiếc.
Nói về chuyện xả hàng tồn nhưng… tăng giá, chị Lê Thị Hà, bán quần áo ngõ 58 phố Hàng Ngang thản nhiên: “Tất nhiên là hàng tồn nhưng bán bằng giá năm ngoài thôi là chúng tôi bị lỗ. Vì vốn bị đọng tới cả năm trời mà lãi vay vẫn phải trả. Tăng giá lên chút đỉnh, người mua vẫn chịu được mà chúng tôi đỡ bị lỗ, lại bán vẫn chạy thì tại sao không làm?”.
Lo bán thật nhiều, chẳng thèm tư vấn
Đồ sưởi ấm trong những ngày rét đậm như túi sưởi, máy sưởi, quạt sưởi cũng đắt hàng. Các mặt hàng này giá tăng khá mạnh so với mọi năm. Giá túi sưởi dao động từ 60.000 – 150.000 đồng, quạt sưởi từ 400.000 đến 2 triệu đồng/chiếc tùy loại; đèn sưởi dùng trong nhà tắm, phòng có diện tích hẹp giá dao động từ 800.000 đến 3 triệu đồng/chiếc; lò sưởi Trung Quốc cỡ to có giá 800.000 – 900.000 đồng/chiếc. Tất cả những sản phẩm này đều được mua bán một cách dễ dãi và thường không có hướng dẫn sử dụng, người bán chủ yếu nói cắm điện là được ấm. Trong khi đó, có khá nhiều tai nạn đã xảy ra do sử dụng các loại thiết bị này để chống rét.
Không quảng cáo rầm rộ nhưng các loại đệm điện, chăn điện cũng rất hút khách. Loại chăn điện xuất xứ Nhật Bản có giá bán 2,5 triệu đồng/chiếc; đệm điện của Hàn Quốc có nhiều loại giá dao động từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/chiếc tùy độ dày, mỏng. Tuy nhiên, thực tế quan sát chúng tôi, các sản phẩm chăn, đệm điện thường là in chữ nước ngoài và không có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Đem băn khoăn này thắc mắc với một nhân viên bán chăn điện ở cửa hàng bán đệm Hàn Quốc tại phố Chùa Bộc thì được giải thích: “Chị cứ yên tâm mua về sử dụng, đồ xịn 100% nhập từ nước ngoài về thì mới toàn chữ nước ngoài chứ. Không có điện giật vì nguồn điện thấp và nó có bộ đổi nguồn rồi”. Không chỉ riêng chúng tôi mà bất kỳ khách hàng nào đến mua loại sản phẩm này cũng được bảo hành bằng… lời nói của người bán!
Thực tế đã có không ít trường hợp khi sử dụng chăn, đệm điện bị bỏng do để nhiệt độ quá cao trong thời gian dài. Vậy nhưng, trong khi mua hàng chống rét, người dân vẫn đang mua một cách quá dễ dãi, với các sản phẩm hoàn toàn không rõ xuất xứ và đương nhiên, họ không được hướng dẫn sử dụng một cách chi tiết từ những người bán hàng.
Thanh Bình