Bảo vệ sức khỏe mùa rét

Các tỉnh phía Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong mùa đông năm nay. Đây cũng chính là thời điểm nhiều người già và trẻ em phải nhập viện do mắc phải các bệnh liên quan đến hô hấp, dị ứng, tim mạch…

Những ngày qua, tại một số bệnh viện, số lượng người cao tuổi bị đột quỵ và tái phát bệnh cũ phải nhập viện tăng nhiều so với bình thường.

Người cao tuổi thận trọng với các bệnh mạn tính

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (61 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) đến khám tại BV Lão khoa Trung ương cho biết do bị bệnh huyết áp cao từ lâu, bà vẫn uống thuốc, tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát chỉ số huyết áp. Mấy ngày qua trời lạnh, huyết áp của bà có lúc lên đến 170/140mmHg nên phải đi khám.

bao ve suc khoe mua ret - Bảo vệ sức khỏe mùa rét

Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, một cụ ông 80 tuổi (Bắc Giang) phải đặt nội khí quản và thở bằng máy. TS. BS Chu Thị Hạnh, Phó trưởng Khoa Hô hấp (BV Bạch Mai), cho biết bệnh nhân này được chẩn đoán bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trước đó 1 năm, mặc dù vẫn dùng thuốc hằng ngày, nhưng đợt lạnh kéo dài vừa rồi đã khiến bệnh khởi phát.

“Ở Khoa Hô hấp, cứ đến mùa đông, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lại cao hơn mùa khác từ 20-30%”, TS.BS Chu Thị Hạnh cho biết thêm.

Ở BV Lão khoa Trung ương, bệnh nhân đến khám và điều trị trong những ngày qua cũng tăng đột biến. BS. Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh, cho biết mấy ngày lạnh vừa qua, số bệnh nhân đến BV tăng lên 20%, chủ yếu là những bệnh về tim mạch và hô hấp.

Theo BS. Nguyễn Trung Anh, nguyên nhân là do nhiều cụ già vẫn giữ thói quen dậy sớm, ra khỏi nhà để vận động ngoài trời trong thời tiết giá lạnh, khiến cơ thể không kịp thích ứng và đây là điều kiện cho những căn bệnh mạn tính phát tác.

Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch đã suy giảm nên các bệnh cao huyết áp, tim mạch, thiếu máu não rất dễ dẫn đến đột quỵ ở người cao tuổi. Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ là vào chiều tối và đêm với các biểu hiện như: Choáng váng, sau đó dần rơi vào trạng thái vô thức. Chính vì vậy, biện pháp giữ ấm là rất cần thiết đối với người già.

Để phòng bệnh, BS.Nguyễn Trung Anh khuyến cáo mọi người, nhất là người già, không nên ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Nếu buộc ra khỏi nhà lúc sáng sớm cần phải mặc ấm. Nên ăn thức ăn ấm, nóng. Khi xuất hiện các nhiễm trùng tai-mũi-họng phải điều trị triệt để, nếu không, nhiễm trùng sẽ lan xuống đường hô hấp dưới gây nguy cơ các đợt kịch phát mới.

“Khi trời lạnh, người già vẫn cần tập thể dục đều đặn nhưng tạm thời nên bỏ thói quen tập thể dục buổi sáng sớm ngoài trời, có thể vận động trong nhà. Cần bổ sung thức ăn giàu năng lượng, dễ tiêu (như xúp, cháo nóng, bột dinh dưỡng…) để cơ thể có thêm năng lượng chống lại giá rét. Bên cạnh đó cần bổ sung nước (tối thiểu từ 1-1,5 lít nước/ngày) với các loại nước khác nhau như nước lọc, nước rau, nước hoa quả, nước chè…”, BS.Trung Anh tư vấn.

Chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ sơ sinh

Trời chuyển lạnh cũng khiến sức khỏe của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), đợt lạnh kéo dài đã khiến nhiều trẻ em bị các bệnh lý về viêm đường hô hấp. Tại Khoa Nhi, số trẻ đến khám, nhập viện tăng khoảng 20% so với bình thường. Các bệnh thường thấy là: Viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao, nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có biến chứng viêm phổi.

Các ca viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh đều diễn biến nặng, nhiều bệnh nhi phải nhập viện theo dõi, điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh diễn biến rất nhanh. Có những trẻ ở thời điểm đi khám chưa có biểu hiện viêm phổi, nhưng chỉ vài tiếng sau đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh.

Bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 6 tháng tuổi không có các biểu hiện điển hình giống ở trẻ lớn như sốt cao, ho nhiều, vì thế bệnh viêm phổi ở nhóm trẻ này thường dễ bị bỏ qua. Các dấu hiệu sốt, ho ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị viêm phổi nặng.

Đối với nhóm trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi, khi bị bệnh viêm phổi thậm chí còn hạ thân nhiệt một chút, không có biểu hiện ho hắng, sổ mũi. Vì thế, theo các chuyên gia y tế, việc quan sát những dấu hiệu toàn trạng của bé, đặc biệt là tình trạng bú của trẻ là rất quan trọng. Nếu thấy trẻ bú ít hơn bình thường, ngủ nhiều li bì bất thường, cha mẹ cần quan sát nhịp thở, quan sát lồng ngực trẻ, nếu thấy bất thường nên đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để khám.

Bài viết liên quan

Xem thêm:  Những thực phẩm làm bạn ốm thêm trong mùa đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *